TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ - KHAI MỞ TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TƯ DUY - RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH BẰNG BỘ MÔN CỜ VUA - Hotline tư vấn: 090 264 1618

VIDEO HƯỚNG DẪN HỌC CỜ VUA

TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ

Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Cờ vua Hà Nội: Sẽ không đầu tư nửa vời

Cờ vua Hà Nội: Sẽ không đầu tư nửa vời

(HNM) - Khi kinh phí được cấp cho các bộ môn thể thao Hà Nội đều giảm so với năm ngoái vì lý do khách quan thì những người có trách nhiệm với cờ vua Hà Nội vẫn cố gắng tập trung vào những VĐV trẻ trọng điểm, đang ở độ tuổi phát triển nhất về sức cờ. Bởi nói như Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng: Đã đầu tư là phải đầu tư đến cùng, không có chuyện đầu tư nửa vời.

VĐV cờ vua Trần Tuấn Minh.
VĐV cờ vua Trần Tuấn Minh.


Cũng như nhiều tỉnh thành, ngành khác, cờ vua Hà Nội chủ yếu trông vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Cũng có chuyện xã hội hóa trong môn cờ vua nhưng không nhiều. Những kỳ thủ Việt Nam được gia đình hỗ trợ, tiếp sức như trường hợp Lê Quang Liêm lại càng là chuyện hiếm. Ở Hà Nội từ trước đến nay, chỉ có một kỳ thủ được gia đình hậu thuẫn mạnh mẽ để góp mặt trong nhóm 100 kỳ thủ hàng đầu thế giới là Hoàng Thanh Trang. Còn lại các VĐV đều có thể phát triển tốt hơn nếu được đầu tư mạnh tay.

Đó cũng là vấn đề chung của cờ vua Việt Nam khiến nhiều kỳ thủ dù có khả năng thiên phú song không thể bật được ở giai đoạn phát triển nhất về sức cờ, khoảng từ 15 đến 20 tuổi. Nguyễn Ngọc Trường Sơn từng được đánh giá là có sức cờ ngang ngửa Lê Quang Liêm, thậm chí có nhiều đột phá trong cách chơi hơn. Tuy nhiên, vào đúng lúc kỳ thủ Kiên Giang này cần được đầu tư nhất lại không được đầu tư mạnh. Sự đầu tư nửa vời từ các bộ phận có trách nhiệm khiến Nguyễn Ngọc Trường Sơn lao đao trong thời gian dài. Phải đến khi có doanh nghiệp vào cuộc thì kỳ thủ này mới có kinh phí đi tập huấn, thi đấu nước ngoài nhiều hơn và yên tâm tập luyện. Nhiều chuyên gia vẫn tiếc nuối rằng, nếu được đầu tư như Lê Quang Liêm, vị trí của Nguyễn Ngọc Trường Sơn không phải là thứ hạng 92 thế giới như hiện tại mà có thể sẽ nằm trong nhóm 50 kỳ thủ đứng đầu thế giới.

Sử dụng nguồn kinh phí sao cho hợp lý là cả vấn đề, khiến người trong cuộc phải liệu cơm gắp mắm. Phải đầu tư dàn trải cho các tuyến hay tập trung phần lớn kinh phí cho các VĐV trọng điểm luôn là câu hỏi cho các nhà quản lý. Ở bộ môn cờ vua Hà Nội hiện nay, trong nhóm kỳ thủ trẻ có thể phát triển mạnh trong tương lai có anh em Trần Tuấn Minh - Trần Minh Thắng và Lê Tuấn Minh. Cả 3 đang được coi là tương lai của cờ vua nam Hà Nội. Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng nhận xét: "Các em đều có khả năng đạt đến elo 2.650 trở về. Còn việc các cháu có vượt qua elo 2.650 hay không còn phụ thuộc ý chí nữa". Nếu Trần Minh Thắng từng gây ấn tượng khi đã giành chức vô địch U8 Giải Các nhóm tuổi trẻ thế giới thì hai đàn anh Trần Tuấn Minh và Lê Tuấn Minh lại không như vậy. Tuy nhiên, cả hai lại có bước đi lên vững chắc và đang là những kỳ thủ nòng cốt của Đội 1 cờ vua nam Hà Nội tại các nội dung đồng đội. Để cả Trần Tuấn Minh, Trần Minh Thắng và Lê Tuấn Minh có thể phát triển, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã phải tính toán kỹ, đưa ra cách đầu tư tốt nhất trong khả năng có thể, từ tập huấn ở Nga, Hungary đến học với chuyên gia nước ngoài trên internet. Kinh phí cho những lần được thọ giáo với chuyên gia nước ngoài hay đi tập huấn nước ngoài không được tiết lộ nhưng chắc chắn không nhỏ. Quan trọng là những lần tập huấn đó đều mang lại hiệu quả. Rõ nhất là tại Giải Cờ vua ĐH TDTT toàn quốc vừa qua, cả Lê Tuấn Minh và Trần Tuấn Minh đều góp công giúp đội cờ vua Hà Nội giành HCV đồng đội cờ chớp - cũng là tấm HCV đầu tiên tại ĐH TDTT toàn quốc của cờ vua nam Hà Nội sau hơn 20 năm chờ đợi.

Những ngày áp Tết Nguyên đán, gặp Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng đã thấy anh nói về dự định, ấp ủ dành cho những kỳ thủ được coi là tương lai của cờ vua nam Hà Nội. Từ việc mời một số doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư cho kỳ thủ trẻ trọng điểm của Hà Nội, đến việc tiếp tục kế hoạch đưa họ đi nước ngoài tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài huấn luyện VĐV qua internet... Theo ông Đặng Vũ Dũng, kinh phí cho bộ môn có giảm thì vẫn phải bảo đảm mức đầu tư cho các VĐV trọng điểm cả tuyến 1 và tuyến trẻ, bởi thời cơ không phải lúc nào cũng đến. Quan trọng là quyết tâm theo con đường đã chọn đến cùng để không phí công đầu tư trong nhiều năm qua.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét